Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020
Theo Bộ KH&CN, giai đoạn 2011-2020, hệ thống cơ chế, chính sách về thị trường KH&CN cơ bản được hoàn thiện, nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN được ban hành với 14 Văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 04 Luật, 06 Nghị định và 12 Thông tư. Đây là công cụ quan trọng để thiết kế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các bên tham gia vào các hoạt động giao dịch của thị trường trong nước cũng như hội nhập với quốc tế.
Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 08 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu.
Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường có xu hướng chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Một số kết quả tiêu biểu trong giai đoạn 2011-2020 có thể được kể đến như: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2009-2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó đạt cao nhất trong năm 2017, 2018 lần lượt là 182.645 triệu đồng và 197.768 triệu đồng.
Sau 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075) đã phê duyệt 63 nhiệm vụ/500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí là 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 55%), còn lại khoảng 45% nguồn kinh phí được đối ứng từ phía các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Nhằm đánh giá, tổng kết lại những thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, cũng như nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng lớn trong phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021-2030. Sáng ngày 15/4/2021, Bộ KH&CN phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020” tại Hội trường Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì hội thảo với sự tham dự của các đại biểu từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, doanh nghiệp,….
Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ, trao đổi về những thành công đạt được, cũng như những vướng mắc, khó khăn trong phát triển thị trường KH&CN của các địa phương, các viện trường như: việc định giá, phân chia lợi nhuận, giao quyền sở hữu, xử lý tài sản là kết quả của các đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ; việc tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, các kết quả nghiên cứu; việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện, trường còn gặp nhiều khó khăn,…
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã trực tiếp trao đổi và ghi nhận những kiến nghị của các đại biểu xung quanh những rào cản, vướng mắc từ cơ chế chính sách để phát triển thị trường KH&CN.
Theo Bộ KH&CN, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung là: (1). Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN; (2). Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; (3). Thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; (4). Thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN; (5). Tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; (6). Liên thông, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính; (7). Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN; (8). Phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN.
Tác giả: Đặng Thị Kim Tuyến